Việt Trì – Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, kinh đô đầu tiên của nhà nước Văn Lang xưa. Đến Việt Trì bạn không chỉ được trở về thời kỳ Hùng Vương dựng nước với những địa danh, di tích lịch sử, mà còn được khám phá những địa điểm mới lạ, độc đáo. Du lịch Phú Thọ chia sẻ đến bạn “Top 10 điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến thành phố Việt Trì” giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích và lựa chọn được những điểm dừng chân phù hợp nhất.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng
Khu di tích lịch sử Đền Hùng là mảnh đất địa linh, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước – Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Đền Hùng toạ lạc tại xã Hy Cương, thành phố Việt Trì – được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ XV) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện nay.
Quần thể Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm: đền Hạ và chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng và Lăng Vua Hùng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. Cùng với đó là các công trình phụ trợ nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của đồng bào cả nước về Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch).
Bảo tàng Hùng Vương
Nằm trên đường Trần Phú, bên bờ hồ công viên Văn Lang – trung tâm của thành phố Việt Trì. Bảo tàng Hùng Vương được ví như một “cuốn sử bằng hiện vật” thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và khám phá các giá trị độc đáo, riêng có về lịch sử, văn hóa của vùng đất Tổ cội nguồn.
Công viên Văn Lang
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, Công viên Văn Lang nổi lên như một hòn ngọc, điểm nhấn quan trọng của thành phố Việt Trì.
Công viên Văn Lang được coi là một điểm tham quan hấp dẫn du khách, không chỉ tô đẹp cho thành phố mà còn thể hiện những nét độc đáo của văn hóa truyền thống vùng đất Tổ. Công viên tập hợp các biểu tượng truyền thống độc đáo thời Hùng Vương.
Miếu Lãi Lèn – Nơi phát tích Hát Xoan
Miếu Lãi Lèn được xây dựng trên nền cũ tại gò đất giữa đồng thuộc thôn Phù Đức, xã Kim Đức, cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía Bắc. Miếu được coi là nơi phát tích của làn điệu Hát Xoan có từ thời đại Hùng Vương.
Hát Xoan Phú Thọ – Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, là niềm tự hào của người dân Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung. Bạn muốn thưởng thức Hát Xoan hãy tới đây nhé.
Đình cổ Hùng Lô
Đình Hùng Lô, thuộc làng cổ Hùng Lô, nằm dọc ven sông Lô, cách Đền Hùng 5km về phía Đông, cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía Đông Bắc.
Đình Hùng Lô là quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật trên vùng Đất Tổ, niên đại khoảng hơn 300 năm. Đình Hùng Lô có kiến trúc hình chữ công. Đại đình được xây dựng năm 1697, thờ Vua Hùng thứ 4 – Hùng Hoa Vương, còn gọi là Ất Sơn thánh vương; Vua Hùng thứ 5- Hùng Hy Vương, còn gọi là Viễn Sơn thánh vương; Tướng bảo vệ vua Hùng được phong vương, còn gọi là Áp đạo quan đại vương.
Khám phá đình Hùng Lô, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, là những chi tiết điêu khắc gỗ, được sáng tạo bằng kỹ nghệ chạm bong, một nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê. Đây là những giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, quý hiếm.
Di tích lịch sử văn hoá quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi
Cụm di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngôi đền nằm bên tả ngạn nơi hợp lưu của ba dòng sông: sông Hồng, sông Lô, sông Đà mà xưa nay nhân dân vẫn quen gọi là ngã ba Hạc. Đây là một thắng cảnh đẹp của vùng đất Tổ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và lễ bái.
Cụm di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi là cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, gồm có: đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, bến bơi chải, tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật và bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam.
Đền Thiên Cổ
Tọa lạc trên một quả đồi nhỏ ven đường thôn Hương Lan, xã Trưng Vương (thành phố Việt Trì), Đền Thiên Cổ là nơi thờ tự vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang cùng hai người học trò là con Vua Hùng thứ 18 – Tiên Dung và Ngọc Hoa công chúa. Với vẻ trầm mặc, cổ kính, ngôi đền nhỏ không chỉ là điểm đến ý nghĩa của người dân địa phương mà còn thu hút những người hiếu học trên phạm vi cả nước. Sự hiện diện của Đền Thiên Cổ là minh chứng rõ nét cho nền văn hiến lâu đời của đất nước và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cao quý của nhân dân từ thời các Vua Hùng dựng nước.
Cầu Việt Trì
Cầu Việt Trì được xây năm 1901 dưới thời toàn quyền Đume (Paul Doumer). Cây cầu vốn nhiều hơn cầu Long Biên một tuổi, đã bị phá bởi bom đạn trong thời chiến tranh. Giờ dấu tích của cầu chỉ là mố cầu nằm cách cầu mới mấy trăm met. Giá như không bị bom đạn tàn phá thì ngày nay hẳn chúng ta sẽ có thêm một nhân chứng lịch sử, một cây cầu đẹp chẳng hề kém cầu Long Biên, cầu Trường Tiền. Cầu mà chúng ta bây giờ vẫn đi qua là cây cầu mới được xây dựng vào năm 1956. Bác Hồ có về thăm công trường xây dựng cầu vào Tết năm đó. Riêng bản thân tôi vẫn thích cây cầu cũ hơn, những đường cong tuyệt mỹ. Có vẻ rất giống với cầu Trường Tiền trong Huế – cây cầu còn cao tuổi hơn cả cầu Long Biên (1897-1902).
Làng rau Tân Đức
Làng rau sạch Tân Đức, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 3km, là miền đất với những ngôi nhà mái ngói san sát nằm nép mình bên dòng sông Thao thơ mộng. Đến Tân Đức, ngoài quang cảnh đường xá phong quang, sạch sẽ, du khách sẽ đặc biệt ấn tượng với những thảm rau xanh mướt trải dài theo triền đê. Mùa nào thức đó, những vườn rau ngót rộng mênh mang, các luống rau cải dài tít tắp, những luống cà chua đỏ mọng chờ ngày thu hoạch… chắc chắn sẽ đem đến cho du khách một cảm giác thanh bình của làng quê yên ả.
Vườn cây cảnh đặc sắc di sản Việt Nam
Vườn cây di sản thuộc sở hữu của ông Phan Văn Toàn nằm ngay ở vị trí trung tâm của thành phố Việt Trì, trong đó quy tụ hàng trăm cây cảnh khác nhau, nhiều cây thuộc vào dạng quý hiếm “có một, không hai”. Thậm chí, có cả những cây có tuổi đời hàng trăm năm hay các cây cổ từng thuộc sở hữu của vua chúa như: cặp khế của vua Gia Long (khoảng 400 tuổi), cây tùng La Hán của vua Quang Trung (600 tuổi), cây Đề, Bằng Lăng từ cung đình Huế… Rất nhiều cây quý hiếm, trong đó có 12 cây đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.