Nghệ sỹ ra mắt sản phẩm làm đẹp không mới. Còn nhớ khi Hailey Bieber ra mắt thương hiệu Rhode, Scarlett Johansson với The Outnet, hay Alicia Keys và Keys Soulcare, nhiều người đã ngao ngán, “Trời ạ, lại thêm một thương hiệu ngôi sao nữa”. Giới yêu làm đẹp nhận định rằng các ngôi sao không phải chuyên gia làm tóc, trang điểm nên thương hiệu của họ chưa chắc mang lại sự khác biệt đột phá.
Đến nay, có rất ít thương hiệu làm đẹp của các ngôi sao được xem trọng. Chỉ có Fenty của Rihanna, Rare Beauty của Selena Gomez là tạo được sự khác biệt. Đến cả Kylie Cosmetics cũng chỉ có dòng son môi là thành công, còn những thể loại mỹ phẩm dưỡng da khác cũng không tạo được tiếng vang.
Tuy nhiên, quyết định tung ra thương hiệu chăm sóc tóc của Beyoncé lại được đánh giá là khôn ngoan và sẽ vô cùng thành công. Vào ngày 20/2/2024, cô tuyên bố sự ra mắt của thương hiệu Cédred và đón nhận vô vàn lời chúc tụng, hưởng ứng. Lý do vì sao? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.
>>> TIN TỨC: BEYONCÉ RA MẮT THƯƠNG HIỆU CHĂM SÓC TÓC CÉCRED
Những lý do bảo đảm cho thành công của thương hiệu Cédred do Beyoncé sáng lập
1. Khả năng tạo xu hướng của Beyoncé
Beyoncé là người chuyên thay đổi kiểu tóc. Khi cuộc đời và sự nghiệp của Beyoncé phát triển, mái tóc của cô cũng trải qua những sự thay đổi tương ứng. Có lúc cô làm tóc quăn như mì tôm, đa phần thời gian thì uốn xoăn lọn lớn, có lúc lại duỗi thẳng. Màu tóc của cô lúc thì vàng mật ong, lúc khác lại mang màu bạch kim.
Cứ mỗi khi “Queen Bey” đổi kiểu tóc thì cô lại tạo trend trong làng tạo mẫu tóc. Chính vì vậy, điều Beyoncé quyết định ra mắt thương hiệu sản phẩm chăm sóc tóc giống như một bước tiến tất yếu trong sự nghiệp của cô.
2. Beyoncé được tin tưởng là một chuyên gia về lĩnh vực chăm sóc tóc
Điều ít ai biết là Beyoncé và gia đình của cô có mối liên hệ mật thiết với thế giới sản phẩm chăm sóc tóc. Mẹ của cô, bà Tina Knowleds, từng sở hữu một tiệm salon tóc ở thành phố Houston, thuộc tiểu bang Texas, Mỹ. Khi lớn lên, Beyoncé từng làm công việc quét dọn trong tiệm salon này.
Tiếp xúc với nghề làm tóc từ khi còn nhỏ đã khiến Beyoncé đam mê việc tạo kiểu tóc theo nhiều cách khác nhau: tự nhiên, ép thẳng, tết tóc, tẩy và nhuộm màu, đội tóc giả,… Để bảo vệ mái đầu của bản thân, cô luôn tìm hiểu chuyên sâu về sản phẩm sử dụng và quá trình tạo kiểu tóc, thay vì chỉ đặt hàng chuyên gia tạo mẫu thực hiện.
Rất nhiều người nổi tiếng hợp tác với các thương hiệu lớn khi họ muốn tung ra dòng sản phẩm làm đẹp. Họ thường chỉ là gương mặt quảng cáo và sử dụng công thức sản phẩm đã có sẵn hay do một bên thứ ba nghiên cứu ra. Nhưng Beyoncé muốn tạo ra công thức độc đáo hơn nên tự mình hoàn thiện mọi khâu từ đầu.
Theo Beyoncé chia sẻ, cô đã dành ra 6 năm ấp ủ, tìm công thức chăm sóc tóc tốt nhất cho các sản phẩm Cédred. Công ty thậm chí còn xây dựng một thẩm mỹ viện và phòng thí nghiệm tại văn phòng ở Los Angeles để phát triển và thử nghiệm các công thức đang chờ cấp bằng sáng chế của sản phẩm, được làm từ các thành phần như mật ong và keratin.
3. Thương hiệu Cédred đề cao vẻ đẹp của người da màu
Cécred, được phát âm là “say-cred”, ghép từ chữ cuối của tên riêng Beyoncé (cé) với từ nghi thức linh thiêng (sacred). Đi tìm một cái tên nghe linh thiêng như vậy là cách để Beyoncé tôn vinh mái tóc của người da màu.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, người da màu đã trải qua hàng trăm năm dưới chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ chỉ bị bãi bỏ hậu nội chiến năm 1865, nhưng đến nay vẫn để lại những hậu quả về vấn đề phân biệt chủng tộc. Làn da đen, mái tóc xoăn và thân hình đẫy đà của họ bị xem là xấu xí khi so sánh với mái tóc vàng suôn mượt và làn da trắng sứ trong tiêu chuẩn sắc đẹp Châu Âu. Vì lẽ đó, người da đen tại quốc gia này đã tìm mọi cách để ép thẳng tóc và tẩy trắng da.
Phải qua đến thập niên 1950, phong trào giải phóng người da đen mới bắt đầu giúp cộng đồng này tìm lại tình yêu dành cho mái tóc và làn da của mình.
Vừa là một người phụ nữ da màu, vừa là người có sức ảnh hưởng, Beyoncé sử dụng thương hiệu riêng như một cách để lan truyền tinh thần yêu bản thân đến cộng đồng này. “[Cédred] được dẫn dắt bởi trái tim và niềm đam mê chứ không phải bởi một bản kế hoạch kinh doanh”, Beyoncé cho biết. “Cécred là một dự án kế thừa đối với tôi, gắn liền với tổ tiên của tôi nhất. Tóc là dòng dõi của chúng tôi, đó là câu chuyện gia đình của chúng tôi.”
Tina Knowles, mẹ của Beyoncé đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch công ty và giúp phát triển các sản phẩm dựa trên kinh nghiệm của mình. “Còn nhớ có người bảo tôi tóc của phụ nữ da đen không thể được nhuộm màu và uốn cùng lúc. Và tôi đã chứng minh lý thuyết đó sai”.
Nói thêm về vấn đề này, Beyoncé chia sẻ: “Phụ nữ da đen nói chung là những người cuối cùng được mời thử nghiệm [mỹ phẩm]. Chúng tôi thường được “kê đơn” những thứ dựa trên các nghiên cứu mà chúng tôi không tham gia”.
Vì lẽ đó, mẹ con Beyoncé khẳng định rằng “Cédred được xây dựng từ khoa học mới, kết hợp với những công thức đã được truyền lại từ nhiều thế hệ trước”.
4. Thương hiệu tìm được thị trường ngách (niche market) riêng
Để một thương hiệu đạt được sự thành công nhất định, nó phải giải quyết được một vấn đề chưa được đáp ứng trong nhu cầu của người sử dụng.
Ví dụ Fenty Beauty là thương hiệu đầu tiên ra mắt màu mỹ phẩm trang điểm phù hợp với nhiều sắc thái làn da, đặc biệt là cho làn da của cộng đồng người da màu, điều mà những thương hiệu mỹ phẩm châu Âu bỏ qua. Trong khi đó Rare Beauty lại hướng đến việc Clean Girl Aesthetics, tạo ra những món mỹ phẩm tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên và đề cao việc yêu lấy bản thân.
Với Beyoncé, cô nhắm đến những người có mái tóc xoăn và dễ xù. Tóc xoăn thường dễ khô và gãy hơn khi so với mái tóc thẳng bởi độ xoăn khiến dầu tự nhiên từ da đầu khó thấm đều vào sợi tóc, do đó dễ bị hư tổn bởi tác động nhiệt. Sản phẩm của Cédred chuyên về cấp ẩm và khóa ẩm cho mái tóc xoăn.
“Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu bằng cách ưu tiên các nhu cầu về tóc có kết cấu như của tôi, cùng với các loại và kết cấu khác cần nhiều độ ẩm và độ chắc khỏe hơn”, Beyoncé nói.
Ngay lập tức, rất nhiều những beauty blogger hay biên tập viên chuyên về mảng làm đẹp đã phải thử những sản phẩm chăm sóc tóc đầu tiên từ Beyoncé; đa phần đều khen ngợi kết quả đạt được. Người tiêu dùng đã ca ngợi thương hiệu này vì tính hiệu quả, tính linh hoạt và cam kết về sự đa dạng, trong khi các chuyên gia làm đẹp ca ngợi sự đổi mới và cách tiếp cận có tư duy tiến bộ của thương hiệu.
5. Yếu tố vì cộng đồng
Beyoncé còn bày tỏ ý định trao quyền cho những người đang gặp khó khăn thông qua hoạt động mới của mình. Thông qua quỹ từ thiện BeyGOOD của Beyoncé, Cécred mang tới ngân sách học bổng hàng năm lên tới 500.000 đô-la Mỹ.
Một bên, quỹ dành ra 250.000 đô-la Mỹ hỗ trợ các trường đào tạo thẩm mỹ, làm tóc, trang điểm. Họ có thể đăng ký với quỹ BeyGOOD để được xin học bổng cho các học sinh của họ. Mục tiêu của Beyoncé là trợ cấp cho những nhà tạo mẫu đầy tham vọng nhưng có bối cảnh kinh tế khó khăn.
Phần 250.000 đô-la Mỹ còn lại được dùng hỗ trợ những người muốn mở salon riêng. Mỗi năm, 25 khoản tài trợ trị giá 10.000 đô-la Mỹ sẽ được trao cho các chủ doanh nghiệp salon đủ điều kiện ở Atlanta, Chicago, Houston, Los Angeles và New Jersey.
Khi Beyoncé tiếp tục để lại dấu ấn không thể phai mờ trong thế giới âm nhạc, thời trang và sắc đẹp, Cécred là minh chứng cho tầm ảnh hưởng lâu dài và cam kết không ngừng nghỉ của cô trong việc tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar
🎯 Top1Go : LINK ĐẾN BÀI VIẾT GỐC